Chiêm Hóa sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”

Nghị quyết “Tam nông” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Chiêm Hóa. Sau 5 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã có tác động to lớn đến đời sống nhân dân các dân tộc, bộ mặt nông thôn của huyện ngày một đổi mới.

Nông dân thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) được Dự án RIDP hỗ trợ máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết “Tam nông”) với mục tiêu giải quyết đồng bộ cả 3 vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ mới. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, các cấp ủy đảng huyện Chiêm Hóa tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn trong xây dựng cơ cấu nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hóa.

 Huyện Chiêm Hóa đã triển khai xây dựng nhiều đề án, dự án quan trọng nhằm đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Huyện đã lập các phương án quy hoạch phát triển, sản xuất hàng hóa tập trung các loại cây trồng như: Lạc, đậu tương, mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu đường tập trung tại các xã có điều kiện; thực hiện 13 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển và hình thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông lâm nghiệp; tổ chức thực hiện 9/9 dự án, đề án phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo. 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,3%. Tỷ trọng các ngành kinh tế: Nông - lâm nghiệp giảm từ 42,7% năm 2008 xuống còn 35,6%; Công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,5% (năm 2008) lên 33,1%; Thương mại - dịch vụ tăng từ 27,8% (năm 2008) lên 31,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,05 triệu đồng/người/năm, tăng so với năm 2008 là 6,95 triệu đồng/người/năm. Tăng trưởng bình quân trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 5,4% (năm 2008) lên 6,6%. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt 71.617 tấn, bình quân lương thực đạt 565kg/người/năm. Sau 5 năm huyện đã  trồng 19.496,9 ha rừng, độ che phủ rừng đạt 70,5%. Chăn nuôi từng bước phát triển đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong nhân dân về chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiện tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp đạt 39,8%, tăng 13,3% so với năm 2008.

Nhân dân đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và các biện pháp thâm canh cây trồng vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất ruộng 2 vụ lúa, nâng hệ số sử dụng đất ruộng từ 2,46 lần lên 2,73 lần. Giá trị sử dụng đất đạt 66,3 triệu đồng/ha. 

Đời sống nông dân nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều cải thiện rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã mua sắm được ô tô, máy xay xát, máy tẽ ngô, tuốt lúa, máy phun thuốc sâu... Đến nay, toàn huyện có gần 4.300 chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó máy làm đất 1.742 chiếc, máy tuốt lúa 666 chiếc, giàn sạ kéo tay 129 chiếc..., phương tiện vận tải nhỏ (dưới 5 tấn) 325 chiếc, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ sản xuất nông nghiệp, nhất là ở khâu làm đất và thu hoạch.

Từ năm 2008 đến nay, huyện đã thực hiện bê tông hóa được 250 km đường giao thông nông thôn; hoàn thành việc thi công nâng cấp 417,7 km đường liên xã, đường liên thôn. Hiện 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 99,7% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn; 100% số xã có điện lưới Quốc gia; tỷ lệ hộ dân được sử dụng diện lưới Quốc gia đạt 93,5%.

Đến tháng 5-2013, huyện hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì 14 trường đạt chuẩn quốc gia. 85% số xã có nhà văn hóa bằng 112% so năm 2008; 90% số thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 85% dân số được xem truyền hình; 95% dân số được nghe đài phát thanh; 100% trung tâm xã được phủ sóng điện thoại di động; 100% xã có bưu cục, điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhân dân.

Với sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, huyện Chiêm Hóa đã làm tốt công tác dân vận góp phần đổi mới nhận thức, tư duy của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết về “Tam nông”, với những kết quả đạt được đã khẳng định sức mạnh, sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân, góp phần tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn huyện Chiêm Hóa. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục