Thức dậy tiềm năng sông Gâm

Sông Gâm chảy qua hầu hết các xã của huyện Nà Hang và một số xã của huyện Chiêm Hóa trước khi đổ vào sông Lô ở xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Sông Gâm với nguồn thủy năng dồi dào đã vươn mình phát triển. Với 2 công trình thủy điện lớn được xây dựng trên dòng sông này, đã khơi dậy những tiềm năng của mảnh đất Nà Hang huyền thoại

Sức sống vùng ven song

 

Một góc hồ thủy điện Tuyên Quang

Ngược dòng sông Gâm, tôi chọn Soi Chinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) là điểm bắt đầu cho chuyến hành trình. Soi Chinh, tên một soi bãi ven sông, đồng thời cũng là tên thôn của xã Trung Hòa. Khi xưa, Soi Chinh là nơi buôn bán sầm uất, khu vực này có vùng tre, nứa rộng lớn nên cây tre chinh nổi tiếng từ bến Chinh về xuôi và người xuôi tìm đến. Thời kỳ đào đãi vàng rộ lên, Soi Chinh người đông như hội, hàng quán mọc lên như nấm, trên bến dưới thuyền tấp nập. Bến đò Chinh cũng từ đó hình thành và cái tên Phố Chinh bên kia sông thuộc địa phận xã Vinh Quang cũng bắt nguồn từ đó. Nay thôn Soi Chinh và thôn Phố Chinh với những ưu đãi mà dòng sông Gâm ban tặng đang ngày một phát triển.

Trên căn nhà nổi ven sông, ông Trần Văn Lân kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những con người vùng sông nước. Ông nói, nhà ông đã có ba đời sống bằng nghề chở đò ngang ở bến Chinh. Ông nội ông là Trần Văn Ky còn vinh dự được Chính phủ tặng Bằng khen bởi nhiều năm góp sức chuyên chở cán bộ cách mạng qua sông. Ở Phố Chinh bây giờ đời sống bà con khấm khá lắm. Thôn có hơn 100 hộ với 6 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Cao Lan, Dao, Nùng, Hoa, trong đó chủ yếu là người Kinh ở miền xuôi lên định cư. Phố xá nhộn nhịp nên có đến 60% hộ dân làm nghề kinh doanh dịch vụ. Thu nhập ở đây chuyện bạc tỷ thì hiếm chứ bạc triệu thì nhiều lắm. Mà nổi tiếng nhất là “Đại gia phố núi” Trần Văn Minh - ông chủ trang trại rừng hơn 20 ha. Năm nào ông cũng thu vài trăm triệu đồng từ việc khai thác rừng. Ngoài buôn bán kinh doanh, bà con ở đây còn duy trì nghề truyền thống đan cót. Dẫn chúng tôi đến nhà cụ Trần Thị Hựu một trong những nghệ nhân nghề đan cót, ông Lân bảo, cụ Hựu năm nay gần 90 tuổi. Mắt cụ đã mờ nên giờ chỉ nhận dạng được người qua giọng nói thôi. Ấy vậy mà cụ vẫn tự tay chẻ nan, đan cót. “Trăm hay không bằng tay quen”, chỉ cần sờ vào thanh tre cụ có thể lựa dao vào đó để chẻ nan. Và rồi lần từng thanh nan cụ lại đan thành những tấm cót với nhiều kích cỡ khác nhau. Nghề đan cót ở đây được lưu truyền và phát triển từ những người tâm huyết và say nghề như thế.

Câu chuyện về Phố Chinh đang rôm rả thì bị ngắt quãng bởi tiếng gọi đò: “Bố Lân ơi, cho con qua đó với!”. Lênh đênh trên chiếc đò ngang đưa khách qua sông, tôi nhận thấy ở đây thật trù phú. Bên kia Soi Chinh là những cánh đồng ngô, lúa xanh mơn mởn đang vào độ xuân thì. Ông Lân bảo, nhờ phù sa của dòng sông Gâm mà lúa, ngô ở đây phát triển rất tốt. Tính ra trung bình năng suất lúa đạt 2 tạ/sào. Nhà ông Lý Xuân Đồng, thôn Soi Chinh, bố cậu bé vừa gọi đò chỉ có 4 sào ruộng nhưng quanh năm chẳng bao giờ phải mua gạo để ăn cả.

Cậu bé mà ông Lân gọi là em Lý Tuấn Anh, sinh viên năm thứ hai Trung cấp Cảnh sát nhân dân (Hà Nội). Nhắc đến dòng họ Lý, ông Lân nói với vẻ đầy khâm phục: Dòng họ Lý ở Soi Chinh là nhất làng về truyền thống hiếu học đấy! Anh em họ mạc dòng họ Lý gồm Lý Quang Dự, Lý Hồng Phong, Lý Thị Hè, Lý Thị Nha đều có con cháu học hành đỗ đạt. Trong đó có 2 cháu hiện là giáo viên, còn lại đều đang công tác trong ngành công an. Cậu Lý Tuấn Anh này là thiệt thòi nhất. Mẹ mất khi cậu đang học cấp hai nhưng nuôi chí theo gương các anh, các chị học hành đỗ đạt. Cậu tâm sự, khi anh trai thi đỗ đại học rồi vào ngành công an, cậu thấy tự hào lắm và quyết noi theo truyền thống hiếu học cho dòng họ. Ý chí này như được tiếp thêm sức mạnh khi cậu được vinh dự học dưới mái Trường THPT Kim Bình, mảnh đất quê hương cách mạng xưa. Ở đây hàng năm cứ đến ngày thành lập Đảng (3-2) là người người khắp nơi đổ về nườm nượp. Cậu thấy rất vinh dự và quyết tâm học thật tốt để xứng đáng với truyền thống này và cũng thầm mong một ngày nào đó, cậu cũng sẽ có mặt trong đoàn người về dự lễ kia.

Rời Soi Chinh, ngược lên phía thượng nguồn sông Gâm, chúng tôi dừng chân tại xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa). Nơi đây, dòng sông Gâm hiền hòa tiếp tục mang năng lượng của mình cho Công trình Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa. Đây là công trình thủy điện cột nước thấp, sử dụng công nghệ tua bin chạy thẳng kiểu bóng đèn đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Hàng năm, nhà máy cung cấp cho lưới điện quốc gia 198,6 triệu KWh. Đặc biệt, công trình thủy điện mọc lên đã giúp không ít gia đình khấm khá từ việc buôn bán. Theo ông Nguyễn Mạnh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội, hiện xã có 177 hộ kinh doanh, dịch vụ (tăng 70% so với năm 2010). Khu vực kinh doanh nằm dọc theo tuyến quốc lộ 2C ở các thôn Nà Ngà, Đại Đồng, Bản Mèo. Ở các thôn khác cũng đã hình thành những điểm cung cấp hàng hóa với quy mô ngày càng lớn.

 

Đức Hải

Tin cùng chuyên mục