Chiêm Hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chiêm Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết trên địa bàn và đã đạt nhiều kết quả tốt, điển hình là việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.

Huyện Chiêm Hóa có 18 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc còn duy trì được văn hóa truyền thống đặc sắc. Huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, sưu tầm, khai thác những làn điệu nghệ thuật văn hóa mang sắc thái từng dân tộc sinh sống trên địa bàn. Từ năm 2003 đến nay, huyện đã sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và được Nhà nước công nhận 29 di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh. Bà Lê Thị Thanh Tâm, trưởng Phòng Văn hóa huyện cho biết: Các lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày ở các xã, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao hàng năm được duy trì đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần trong nhân dân.

Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa

Đặc biệt, năm 2012 lễ hội Lồng tông bản Cuống, xã Minh Quang được khôi phục đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đầu xuân mới của cộng đồng các dân tộc các xã vùng thượng huyện. Huyện đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn các làn điệu hát Then, Cọi tại thôn An Thịnh, xã Tân An, gắn với việc xây dựng làng văn hóa du lịch”, giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, lễ hội Lồng tông và hát Then của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hóa vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2002, huyện tổ chức cuộc thi “Sáng tác những ca khúc viết về Chiêm Hóa” đã thu hút hàng trăm nhạc sĩ Trung ương, địa phương, nghệ nhân tham gia sáng tác. Kết quả, đã có 34 ca khúc của các tác giả được trao giải và phổ biến tại địa phương. Các lớp dạy hát Then, đàn Tính do các nghệ nhân đảm nhận được duy trì với 2 CLB hát Then, đàn Tính tại xã Yên Nguyên, Tân An. Huyện Chiêm Hóa có nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Yên Nguyên, là nghệ nhân duy nhất của tỉnh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận nghệ nhân văn hóa dân gian.

Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" nghi lễ hát then của người tày" huyện Chiêm Hóa

Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ các xã, thị trấn đến các thôn bản, trường học, cơ quan, đơn vị thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đến nay, toàn huyện có 475 đội văn nghệ cơ sở, hàng năm tổ chức biểu diễn chào mừng các ngày lễ, tết, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Hoạt động văn nghệ ở cơ sở không thể thiếu làn điệu  Then, Cọi của dân tộc Tày, hát Páo dung của dân tộc Dao và những điệu múa của dân tộc Mông do các hạt nhân văn nghệ tự biên tự diễn.

Có thể khẳng định, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn ngày càng tốt hơn, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tuân thủ pháp luật, có hành vi ứng xử, lối sống văn hóa thân thiện, thanh lịch, có ý thức xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các di sản văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc được đẩy mạnh. Các lễ hội truyền thống được khôi phục, phát triển; nhiều giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa mới được hình thành, phát triển trên cở sở kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, Chiêm Hóa xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chú trọng bảo vệ, gìn giữ, khai thác và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong cộng đồng các dân tộc, bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần xây dựng con người và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần vững chắc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2013 và những năm tiếp theo.  

Tin cùng chuyên mục