Lên Chiêm Hóa trảy hội đầu xuân

“Hội thì đông, biết tìm em ở đâu? Anh tung quả còn bay lên trời, quả còn tua xanh gọi mùa màng mới, quả còn tua đỏ gọi tình yêu tới…”. Lên Chiêm Hóa ngày đầu xuân.....

Màn múa “Quê em vào hội”.

Biểu tượng nổi bật của lễ hội Lồng tông là cây còn. Cây còn của huyện Chiêm Hóa năm nay cao gần 22 mét. Chiều cong của cây còn quay về hướng nam. Một mặt của vòng tròn trên đỉnh cây còn được dán bằng giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, thể hiện niềm hy vọng và bình minh của ngày mới. Mặt còn lại dán bằng giấy vàng, tượng trưng cho mặt trăng với sự mát mẻ, dịu dàng và những niềm mơ ước. Đây còn là yếu tố mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện 2 yếu tố đối lập mà hài hòa, đó là trời và đất, âm và dương, đông và tây… Quả còn được làm bằng vải, bên trong có gạo, thóc, đỗ… tượng trưng cho hạt giống, có cát tượng trưng cho đất để gieo hạt. 

Quả còn được khâu thành 4 múi với 4 màu, có tua rua 5 màu. Một quả còn đẹp phải phẳng, cứng, cân đối, vuông 4 góc. Những quả còn được chọn sẽ ghi tên người làm ra, được dâng cúng ở Đền Bách Thần trên núi Bách Thần và được sử dụng trong ngày hội tung còn mùng 8 tháng Giêng. Từ buổi chiều hôm trước, cây còn đã được nhân dân dựng lên giữa sân vận động trung tâm huyện. Cây còn được ghép từ nhiều cây tre, vút cao lên không trung thể hiện khát vọng của con người muốn vươn tới cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Dưới chân cây còn là kệ để đặt lễ cúng tung còn. Trước mỗi ngày hội, Ban Tổ chức thường tổ chức cuộc thi khâu quả còn cho chị em phụ nữ ở các xã trong huyện. Trong cuộc thi, mỗi đội sẽ phải thực hiện lắp ráp các chi tiết của quả còn với nhau như hạt giống, vải, tua rua… để hoàn thiện một quả còn. Chị Lưu Thị In, thôn Nà Liên, xã Tân Thịnh cho biết, trong hội thi, ai khâu được quả còn đẹp mà được chọn đem cúng sẽ đem đến sự may mắn cho cả năm.

Buổi sớm ngày chính lễ, các lễ vật được dâng tế tại Đền Bách Thần. Đây là các sản phẩm nông nghiệp được nhân dân gửi gắm vào đó niềm khát vọng và cầu mong trời đất, thánh thần ban cho một năm mới tốt lành. Sau khi tế lễ tại Đền Bách Thần, đoàn rước mâm lộc từ Đền xuống sân còn. Đi đầu là đoàn rước cờ thần, rước mâm lộc. Tiếp theo là các đoàn: Múa lân, đội hình rước kiệu Bách thần, múa Sinh Tiền và đoàn rước 9 mâm lễ, sau cùng là các tầng lớp nhân dân tham gia rước lễ. Sau khi cúng Lồng tông tại chân cột còn với các thủ tục và nghi lễ truyền thống, các quả còn được tung lên trời, tìm đến vòng tròn trên ngọn cây còn. 

Những quả còn được ném qua ném lại trên bầu trời, xòe ra tua ngũ sắc trước sự chứng kiến của hàng vạn con mắt và con tim hồi hộp. Người đi hội còn được xem và tham gia các trò chơi dân gian như: Đu bay, đi cầu lút, thi cà kheo, chọi gà, đánh yến, đánh bàm, kéo co… Lễ xuống đồng cày ruộng là một trong những phần nghi lễ của lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa năm nay. Một thanh niên vạm vỡ, đại diện cho người nông dân thực hiện đường cày đầu tiên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia sản xuất, làm ra nhiều lương thực, vượt qua nghèo đói. 

Trong lễ hội còn có màn múa “Quê em vào hội” được biên đạo múa Lê Cường đạo diễn với 3 phần: Mùa xuân đi hội, Lễ cầu may và Niềm vui ngày hội. Màn múa được kết hợp giữa 2 yếu tố dân gian và hiện đại, mô phỏng được nếp sinh hoạt, lao động của người dân miền núi xưa, thể hiện niềm khát vọng vào năm mới an lành. Trong không khí của ngày xuân, các chàng trai, cô gái có điều kiện được tìm nhau, gặp lại nhau, tình yêu của họ lại thêm mặn nồng và da diết hơn bao giờ hết. Những người già đi trảy hội như được sống giữa không gian xưa và thấy mình như trẻ lại.

Ngày xuân lên với Chiêm Hóa, được đắm mình trong không gian mênh mông của những điệu hát then, hát cọi…, những phong tục độc đáo mà đồng bào nơi đây đã dày công vun đắp, giữ gìn. Tan hội mà lòng thấy vấn vương câu hát “Một ngày anh lên Chiêm Hóa,.. để chân ai lạc lối về”.
 

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục