Chiêm Hóa làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Những năm gần đây, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện Chiêm Hóa luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo. Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn đã góp phần ngày một nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Một buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS xã Tân An 

Hiện nay, huyện Chiêm Hóa có 27 Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL; gồm cấp huyện có 1 Hội đồng, 36 thành viên; cấp xã 26 Hội đồng, 219 thành viên. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tổ chức triển khai kịp thời các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua tới nhân dân.

Hiện huyện có đội ngũ 30 báo cáo viên cấp huyện, cấp xã có 245 người, 378 tổ hòa giải với 2.330 hòa giải viên. Tổ hòa giải được tổ chức theo thôn, mỗi thôn có 1 tổ hòa giải từ 5- 7 thành viên, cơ cấu gồm: Tổ trưởng là Trưởng ban công tác Mặt trận hoặc trưởng thôn. Các thành viên là Chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn. 

4 năm trở lại đây, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL phối hợp với các tổ chức, đoàn thể thực hiện trên 1.200 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 100.000 lượt người bằng các hình thức Hội nghị lồng ghép. Phòng Tư pháp đã trực tiếp phối hợp với một số trường học, UBND xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền được 86 buổi cho 17.680 lượt người. Đài  TT - TH huyện mở 215 chuyên mục pháp luật; các xã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở được 798  buổi, có trên 100.000 lượt người nghe. UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. 26 đội thông tin của 26 xã, thị trấn đã tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền PBGDPL. 

Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, trường học đã phối hợp tổ chức tuyên truyền tại 30 Hội thi theo hình thức sân khấu; tại một số trường học đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức viết bài, tọa đàm cho giáo viên, học sinh. Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn và các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã tổ chức lưu động đến các thôn bản tổ chức trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật với 198 cuộc cho trên 10.000 lượt người,  ngoài ra tổ chức trợ giúp pháp lý tại công sở theo yêu cầu của công dân với tổng số 1.076 lượt người. Công tác hòa giải ở cơ sở, sau hơn 4 năm đã thực hiện hòa giải thành 1.128  vụ việc, đạt tỷ lệ 77%.

Để giúp cán bộ, nhân dân, học sinh nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL đã biên soạn, sao in tài liệu dạng đề cương, hỏi - đáp, tờ gấp... cung cấp cho các xã, thị trấn, thôn, bản, với tổng số 2.950 bộ tài liệu các luật, đề cương tài liệu hỏi đáp; 11.200 tờ gấp tuyên truyền để cấp cho tủ sách pháp luật của 26/26 xã, thị trấn mỗi tủ có 350 cuốn; 92 tủ pháp luật tại các cơ quan, trường học, mỗi tủ có 98 cuốn.

Do thiếu hiểu biết pháp luật nên trước đây, trên địa bàn các xã Ngọc  Hội, Phú Bình, Yên Lập... tình trạng người dân khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan. Qua vận động tuyên truyền, người dân đã nhận thấy hành động của mình là vi phạm pháp luật nên hầu hết tự nguyện chuyển đổi sang nghề khác. Đồng chí Triệu Kim Dung, Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho biết, trước đây trên địa bàn xã có tới trên 100 hộ chuyên làm nghề khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh xã đã xây dựng kế hoạch phân công cán bộ công chức, nòng cốt là cán bộ Tư pháp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể lựa chọn những nội dung tuyên truyền như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Nghị định 150 của Chính phủ và các tài liệu liên quan khác cho nhân dân. Nhờ đó, người dân tự nguyện không còn khai thác khoáng sản trái phép. Trước đây, chỉ tiến hành cưỡng chế, ngăn cản thì rất khó dẹp bỏ nạn khai thác khoáng sản trái phép này.
 

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục