Trái ngọt trên đất cằn

34 tuổi, chàng trai trẻ Đỗ Quang Chí, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ánh Dương, thôn An Thái, xã Tân An (Chiêm Hóa) đã trở thành tỷ phú. Với tinh thần tuổi trẻ không ngại khó, anh Chí đã biến giấc mơ ươm trái ngọt trên đất cằn thành hiện thực, đưa trái thanh long đỏ do mình trồng và người nông dân nơi đây đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tin vào con đường đã chọn

Khu đồi thanh long đỏ đang chín rực cả một vùng làm cho tôi háo hức muốn gặp chủ nhân. Anh Chí kiệm lời nhưng cởi mở, đón khách bằng đĩa thanh long tươi rói, anh bảo: “Mời chị thưởng thức đã, thanh long đỏ trồng trên đất này có vị ngọt đậm, thơm hơn hẳn những nơi khác. Đó là một trong những lý do mà nó vào được thị trường Trung Quốc”.

Anh Chí quê ở xã Tứ Quận (Yên Sơn) nhưng bén duyên với vợ là người Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). Những năm đầu lập gia đình, anh Chí phải rời quê, làm các công trình xây dựng tận Hà Giang. Sống xa quê, anh Chí hiểu rằng, đất đai quê nhà rộng lớn, có tiềm năng lớn để làm nông nghiệp, trồng cây ăn quả. Sau một thời gian làm xa nhà, có chút vốn liếng, anh Chí quyết định trở về quê để tìm đất lập nghiệp. Anh bảo: “Quyết định như vậy, mình cũng suy nghĩ rất kỹ. Khi mình quyết định rồi thì phải tin vào con đường mình chọn”.

Anh Chí thu hái thanh long chín.

Năm 2019, sau khi tìm hiểu, khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Chiêm Hóa, anh Chí quyết định liên kết với một hộ tại thôn Phổ Vền, xã Tân Mỹ để trồng 1.500 trụ thanh long. Lứa thanh long đầu tiên, anh Chí  và người dân liên kết thu lãi gần 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhận thấy tiềm năng và hiệu quả kinh tế từ cây thanh long đỏ, anh Chí quyết định đi tìm thuê đất để trồng thanh lòng. Khảo sát ở thôn An Thái, anh Chí thấy nhiều hộ dân có đất trồng mía năng suất thấp, có hộ bỏ đất trống, anh Chí liên hệ để thuê đất với diện tích 13,5 ha, mức thuê là 15 triệu đồng/ha/năm.

Anh Chí cho biết, ở quê anh, quỹ đất để trồng thanh long cũng nhiều nhưng đất dốc, không bằng phẳng. Trong khi ở Tân An, đất bằng phẳng, không bị trôi màu, rễ thanh long nổi trên bề mặt đất sẽ hấp thu dưỡng chất tốt hơn, cho quả đều, ngọt, mọng, năng suất và chất lượng cao hơn. Sau khi thấy đất ở An Thái đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu đề ra, anh Chí thuê 12 lao động là người địa phương bắt tay vào trồng thanh long đỏ. Ban đầu, anh trồng 5.500 trụ, sau một năm, thanh long đỏ đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, sản lượng đạt 10 tấn quả, thu nhập 180 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lãi 60 triệu đồng.

Năm 2020, anh Chí thành lập Hợp tác xã, đứng ra hướng dẫn, bao tiêu sản phẩm thanh long đỏ cho 8 hộ gia đình. Hợp tác xã hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón cho các hộ. Năm 2022, anh Chí mở rộng diện tích trồng thanh long lên 8.000 trụ. Anh đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên diện tích 6 ha thanh long, đồng thời trồng thử nghiệm thanh long bằng giàn. Theo anh Chí, trồng thanh long bằng giàn, năng suất và chất lượng cao hơn gấp 2 lần so với trồng thông thường, nhưng chi phí đầu tư lớn nên hiện tại, anh mới trồng thử nghiệm trên diện tích 3 ha.

Đưa thanh long đỏ xuất khẩu

Anh Chí chia sẻ, trồng cây ăn quả phải nghĩ đến chất lượng đầu tiên, chứ không thể đặt giá trị kinh tế lên đầu, vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dùng.

Còn nhớ khi anh Chí nói về giấc mơ đưa thanh long đỏ xuất khẩu, nhiều người bảo anh “hoang tưởng”. Nhưng anh nghĩ: “Mình chắc chắn làm được, xuất khẩu có gì khó, nếu mình không trực tiếp xuất khẩu được thì mình sẽ liên kết để xuất khẩu”. Nhưng để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Chí dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác liên kết và đầu tư nâng cao chất lượng của thanh long đỏ. Anh cất công, lặn lội vào tận tỉnh Bình Thuận ăn ở nhờ người quen 3 tháng để được hướng dẫn cách làm phân bón hữu cơ từ cá, ngô, đỗ tương, vỏ lạc…Khi đã nắm được kỹ thuật này, anh áp dụng bón phân hữu cơ trên toàn bộ diện tích thanh long.

Khu vườn thanh long đỏ của anh Chí được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ

Tháng 6 - 2022, vùng trồng thanh long đỏ của Hợp tác xã Nông nghiệp Ánh Dương được cấp mã số vùng trồng. Tháng 7 - 2022, thanh long đỏ của anh Chí được chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GLOBALGAP) với diện tích 10 ha. Tháng 11 - 2022, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX được chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Sau khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách nghiêm ngặt để có thể xuất khẩu, anh Chí bắt tay với Công ty CP xuất nhập khẩu An Nguyên (Lào Cai) để tiêu thụ thanh long đỏ của HTX sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, trung bình, mỗi năm, HTX xuất khẩu 6 lứa thanh long đỏ, mỗi lứa từ 25 đến 30 tấn. Với giá bán từ 20 đến 25.000 đồng/kg, mỗi lứa thanh long, HTX thu nhập trung bình khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Anh Chí chia sẻ, mặc dù đã liên kết với một số hộ dân để trồng thanh long đỏ xuất khẩu, song nhiều đơn hàng đi Hàn Quốc, anh không gom đủ, bởi vậy đành bỏ lỡ cơ hội. Anh Chí mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân dân vay vốn để đầu tư trụ thanh long. Mỗi trụ thanh long hiện nay có chi phí 150.000 đồng, tuổi thọ của trụ thanh long có thể kéo dài 15 năm. Thanh long trồng sau 1 năm có thể mang lại nguồn thu. Mong muốn mở rộng diện tích vùng trồng thanh long đỏ để đủ sản lượng xuất khẩu vẫn luôn đau đáu trong tâm trí chàng trai trẻ. Hiện nay, anh Chí đang đề xuất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại một số địa phương của xã Xuân Quang, Tân An nhằm mở rộng vùng liên kết với người dân trồng thanh long xuất khẩu.

Có được trái ngọt xuất khẩu như hôm nay, anh Chí đã không trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách của Nhà nước mà chủ động tìm hướng đi cho chính mình. Đây cũng là thành quả của ý chí, và nghị lực của chàng trai trẻ đã biến ước mơ đưa thanh long đỏ xuất khẩu trở thành hiện thực.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục