Chiêm Hoá đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động

Những năm trở lại đây, Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hoá đã làm tốt công tác đào tạo nghề cho ngưòi lao động góp phần giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2013, biết được Trung tâm dạy nghề Chiêm Hoá mở lớp dạy nghề Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thôn, anh Lý Văn Tảo, thôn Tông Đình, xã Kim Bình đã đến đăng ký tham gia lớp học. Từ vốn kiến thức nắm bắt được qua lớp học, điều kiện phát triển mô hình kinh tế lại sát với điều kiện thực tế của gia đình nên anh Tảo đã quyết tâm đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà thương phẩm. Anh Tảo cho biết, từ số vốn ban đầu 30 triệu đồng do gia đình tích góp được, anh đã xuống Viện chăn nuôi Hà Nội mua 600 con gà  về nuôi. Có diện tích đất vườn rộng, nguồn thức ăn sẵn có, cùng sự chăm sóc tốt  nên đàn gà của gia đình anh phát triển đồng đều, không bị dịch bệnh. Mỗi lứa anh nuôi từ 5 đến 6 tháng là bán ra thị trường. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã xuất ra thị trường 2 lứa, trừ chi phí cũng thu về  trên 100 triệu đồng. Từ việc tham gia các lớp dạy nghề  đã giúp cho gia đình anh Tảo cùng nhiều hộ dân trong thôn có hướng phát triển kinh tế đúng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Với thành quả đạt được, đây là động lực lớn giúp anh tiếp tục mở rộng mô hình, vươn lên làm chính đáng ngay tại địa phương.

Học viên lớp cơ khí đang trực tiếp thực hành tại sưởng

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế. Năm 2013, Trung tâm dạy nghề huyện Chiêm Hoá đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân. Trong năm qua đã mở 13 lớp dạy nghề cho 442 lao động, trong đó, nghề phi nông nghiệp 5 lớp; nghề nông, lâm nghiệp 8 lớp. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, điện dân dụng, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản và cơ khí. Cùng với đó, người lao động sau khi học xong còn được vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Với những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần vào việc đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều mô hình gia trại, trang trại được nhân rộng, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

Văn Tùng

Tin cùng chuyên mục