Gặp gỡ những chiến sỹ Điện Biên năm xưa

Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử tròn 70 năm. Nhưng ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơ vắt”, những trận đánh khốc liệt giành nhau từng tấc đất, từng đoạn hào trên các cứ điểm hay cảm xúc hân hoan trong ngày vui đại thắng vẫn còn hằn sâu trong trái tim của những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có những người con của quê hương Chiêm Hoá anh hùng.

Ông Hà Kim Đương, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang chia sẻ những kỷ niệm về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Năm 1949, ông Hà Kim Đương, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang lúc đó mới 17 tuổi đã lên đường nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ thông tin, liên lạc thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 148, Sư đoàn 138, Quân khu II. Trải qua chiến dịch Đông Bắc, chiến dịch Biên giới rồi hành quân tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông cùng các chiến sỹ thông tin đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo trong mọi tình huống, tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc hợp lý và thông suốt trong cả quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Hệ thống mạng thông tin trong chiến dịch đã đảm bảo 4 yêu cầu: “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, trong chiến công chung, các chiến sỹ  thông tin liên lạc đã đóng góp một phần xứng đáng. Năm nay đã 91 tuổi,  mái tóc bạc trắng và đôi chân không còn nhanh nhẹn nhưng những ký ức về tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết, cùng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” suốt 56 ngày đêm nơi chiến trường với những trận đánh ác liệt vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

Ông Hà Văn Xuyên, thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) kể lại những tháng ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng tôi gặp cựu chiến binh Hà Văn Xuyên, sinh năm 1929, thôn Ba Nhất, xã Yên Nguyên vào một sớm tháng Tư khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ở tuổi 95, sức khỏe có phần giảm sút nhưng khi nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đôi mắt cụ Hà Văn Xuyên lại sáng ngời tinh anh. Với niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt, ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày giành giật với địch từng tất đất, chiến hào trên đồi A1. Năm 1953, ông được lệnh gọi nhập ngũ Đại đội 634, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148 đóng quân tại Lào Cai. Sau đó đơn vị đánh Pháp ở các mặt trận Tây Bắc, nước bạn Lào. Đến 7-1953, đơn vị của ông được lệnh tiến quân ra Điện Biên với nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1. Đồi A1 lúc bấy giờ có tất cả 4 hướng lên, quân Pháp bố trí vô cùng chặt chẽ và bố trí hết sức kiên cố. Ông Xuyên nhớ lại: “Ở dưới đất thì có xe tăng quần, trên trời 4-5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn, có nhiều lúc chúng tôi đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị nó đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tức đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế”. Với ông Xuyên, đồi A1 là trận địa khốc liệt nhất, nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã ngã xuống. Mỗi mét hào, mỗi bước tiến trên đồi A1 trong suốt 38 ngày đêm chiến đấu, tiêu diệt cứ điểm này đều được đánh đổi bằng xương máu của bộ đội. Với ông, đó là những ký ức không bao giờ phai mờ.

Phát huy truyền thống quê hương Chiêm Hoá anh hùng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ Tổ quốc, các chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã trở về đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển quê hương. Dù ở cương vị nào, các ông luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", đi đầu trong các phong trào hoạt động, những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước. Các ông là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo và học tập về tinh thần quả cảm, tất cả vì đất nước, vì nhân dân. Sự đóng góp của các chiến sỹ Điện Biên được ghi vào trang sử vàng oanh liệt của dân tộc như một bản trường ca bất diệt vang mãi đến muôn đời sau./.

Tài Tùng – Văn Linh

Tin cùng chuyên mục