Làm đường bằng máy trộn bê tông tại xã Nhân Lý.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Chiêm Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, kế hoạch, quy hoạch trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 1.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp tăng bình quân 6,2%/năm. Trong chăn nuôi, huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản phẩm nông nghiệp, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 6,8%. Hiện nay, toàn huyện có trên 28.400 con trâu, đạt 96,8% kế hoạch; đàn bò trên 2.700 con, đạt 100,5% kế hoạch (tăng 103,6% so với năm 2016); đàn lợn trên 132.900 con, đạt 101,3% kế hoạch; đàn gia cầm trên 1,6 triệu con, đạt 103,1% kế hoạch (tăng 34% so với năm 2016). Chú trọng nuôi và tái tạo tự nhiên các loại thủy sản có giá trị kinh tế; đến nay toàn huyện có trên 505 lồng cá (trong đó có nhiều lồng nuôi cá đặc sản như: cá chiên, cá bỗng...), sản lượng thủy sản ước năm 2020 trên 2.200 tấn, đạt 105,1% kế hoạch ( tăng 110,6% so với năm 2016). Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển. Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 6.466,5ha, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 440 tỷ đồng/năm; cơ bản hình thành vùng nguyên liệu giấy theo quy hoạch, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 67%. Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32,3 triệu đồng/người/năm.
Người dân thôn Tân Hội, xã Tân An vui mừng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cùng với duy trì ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, huyện Chiêm Hóa cũng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên 404 tỷ 755,74 triệu đồng. Đến nay tổng số hộ dân có nhà tiêu đạt chuẩn chiếm 88,03%; số hộ gia đình có nhà tắm đạt chuẩn chiếm 87,4%; chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn chiếm 88,17%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%; thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, hiện nay đang hướng dẫn, đôn đốc 02 xã Trung Hòa và Nhân Lý hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020 nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 9 xã; bình quân toàn huyện đạt 15 tiêu chí/xã. Thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 195,86 km kênh mương, với tổng kinh phí đầu tư trên 181,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ mua cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn trên 145,5 tỷ đồng, kinh phí nhân dân đóng góp ước tính trên 36,3 tỷ đồng, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa trên địa bàn huyện đạt 86,8%; hoàn thành 146,14 km đường nội đồng; xây dựng 142 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Mô hình trồng dưa lạnh theo chuỗi liên kết của HTX nông lâm nghiệp Yên Nguyên cho giá trị kinh tế cao.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Chiêm Hóa tiếp thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh, năng suất cây trồng như: Cây lạc, cam, chuối; chăn nuôi trâu, bò, thủy sản, ưu tiên phát triển nuôi cá đặc sản. Lựa chọn cây ăn quả là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để tập trung sản xuất theo hướng hàng hoá. Phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 3%./.
Gửi phản hồi