Chuyện tự lực vượt khó của cán bộ xã Tri Phú

Là xã 135 còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức ở xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã viết nên những câu chuyện về tinh thần tự lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao…

“Lên mạng”

“Cả xã có 23 cán bộ, công chức thì có trên 80% cán bộ, công chức tự trang bị máy tính xách tay để phục vụ công việc” - thông tin của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Vĩnh Lạc khiến tôi bất ngờ. Thời điểm trước năm 2011, Tri Phú chỉ có 6 máy vi tính để bàn, không nối mạng Internet. Vì vậy việc “lên mạng” ở Tri Phú rất hãn hữu. Cán bộ, công chức muốn soạn thảo văn bản còn phải đợi chờ nhau. Dịp cuối năm, có cán bộ địa chính - xây dựng phải chở cả máy tính bàn lên huyện để làm công việc quyết toán. 

Người đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng laptop để làm việc là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã. Niềm đam mê sử dụng công nghệ thông tin vào công việc đối với anh Lạc được bắt đầu từ năm 2001, sau khi anh được một cán bộ trên tỉnh gửi cho một cuốn sách về tin học. Vừa học trong sách, anh Lạc vừa tham gia lớp tập huấn tin học ở huyện. Khi trở thành người đầu tiên mua máy tính xách tay, anh Lạc thường xuyên lên mạng để học cách cài đặt các phần mềm, cách sửa chữa máy tính khi gặp sự cố. Anh bảo: “Sống ở nơi khó khăn, mình phải tìm cách tự học, mày mò để khắc phục thôi”. Anh được mọi người gọi là “kỹ sư” tin học.
 


Cán bộ ở bộ phận “Một cửa” ở xã Tri Phú ngày càng hoàn thiện khả năng phục vụ nhân dân.

Trước đây máy tính bị hỏng, cán bộ xã phải chở ra tận huyện vừa mất thời gian lại tốn công sức. Có lần gọi điện cho thợ sửa máy tính ở huyện, anh thợ này nhận lời rồi không vào vì đường xa, tiền công chả được là bao. Bây giờ mỗi khi máy tính của xã trục trặc, “kỹ sư” tin học, Bí thư Đảng ủy xã đều có thể sửa chữa tại chỗ cho cán bộ, công chức của mình. Nhiều cán bộ, công chức khi ấy không thể tự soạn thảo văn bản, anh Lạc ra nghị quyết miệng: “Không đồng chí văn phòng nào được đánh máy hộ cho những đồng chí không biết soạn thảo văn bản”. Vậy là những lớp “xóa mù” tin học được mở vào các ngày thứ 7, chủ nhật do anh Lạc trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ. Hai năm sau, 100% cán bộ, công chức của xã đều đã sử dụng thành thạo máy vi tính. Đồng chí Ma Hữu Mai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đã gần 60 tuổi từ chỗ “mù” vi tính nay đã soạn thảo văn bản thành thạo. Ông còn thường xuyên sử dụng gmail để gửi, nhận công văn, báo cáo; truy cập trang thông tin của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để học tập kinh nghiệm hay ở các địa phương. 


Khi tất cả cán bộ, công chức của xã sử dụng thành thạo máy vi tính, Đảng ủy xã quyết định lắp wifi. Có Internet, nhiều cán bộ, công chức của xã bảo nhau mua máy tính xách tay. Thấm thía cảnh cực khổ nhiều năm phải chở máy tính bàn lên tận huyện, ăn ngủ tại huyện, anh Trần Văn Tú, cán bộ Địa chính - Xây dựng là người đầu tiên sau đồng chí Bí thư Đảng ủy trang bị laptop. Anh bảo: “Mình sử dụng điện thoại phát 3G nên đi đâu mình cũng có thể lên mạng. Ngày trước chưa mua laptop, mình phải mang theo người rất nhiều hồ sơ, sổ sách, văn bản hướng dẫn nhưng nay cần gì là mình chỉ cần lên mạng là có thể tìm thấy văn bản đó. Báo cáo thì không cần phải gửi bưu điện hoặc tức tốc phóng lên huyện để gửi nữa, chỉ cần chuyển qua gmail trước rồi gửi văn bản sau là được”.

Đồng chí Hoàn Minh Bàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã tuổi đã cao song cũng là người tiên phong mua laptop sử dụng trong công việc. Ngay sau khi có máy tính xách tay, ông liền đề nghị với Đảng ủy chuyển máy tính bàn mà trước đây ông vẫn sử dụng xuống cho giáo viên trường THCS xã. Ông Bàn nhớ lại, ngày trước khi xã chưa có Internet, có lần cần gấp một văn bản của Trung ương hướng dẫn về công tác Đảng, tìm mãi trong đống giấy tờ không thấy, ông Bàn phải ra tận xã Kim Bình mượn của một cán bộ khác để về triển khai. Ông bảo, bây giờ có máy tính xách tay nối mạng, cần một văn bản hướng dẫn nào ông cũng có thể tìm thấy hoặc nhờ cấp trên, các xã bạn chuyển qua thư điện tử. Để phục vụ cho công việc của cán bộ, xã còn trang bị cho đồng chí cán bộ văn phòng - thống kê hẳn một chiếc Dcom 3G truy cập Internet.

Chị Phạm Thị Hồng nhớ như in ngày mà chị mua laptop cũng là ngày mà chị nhận chế độ hỗ trợ cho cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 của Chính phủ. Chị coi chiếc máy tính xách tay là phần thưởng của Đảng, Nhà nước dành cho chị để chị cố gắng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ. Chị bảo, chiếc máy tính xách tay kết nối internet ngay đã giúp chị triển khai kịp thời chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín trong xã. Vì mới nhận nhiệm vụ từ một cán bộ khác, đúng lúc triển khai chính sách đến các thôn thì chị không tìm thấy một văn bản hướng dẫn nào. “May mà có laptop và internet nên mình tra cứu và tìm thấy ngay. Nếu triển khai chậm trách nhiệm của mình là một lẽ nhưng còn lợi ích, chế độ của người dân mới quan trọng”- chị Hồng nói. 
Đã đi nhiều nơi nhưng việc gần 100% cán bộ, công chức xã nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn tự trang bị máy tính xách tay, sử dụng Internet để làm việc thực là hiếm và đáng quý. 

Tiết kiệm chi để làm nhiều việc có ích.

Với con số 14 máy in được trang bị cho tất cả các phòng, lĩnh vực do tiết kiệm chi của xã làm cho tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có lẽ không có xã nào tự trang bị đầy đủ máy in cho cán bộ, công chức như xã Tri Phú. Tính riêng bộ phận “Một cửa” của xã có 4 máy in, các tổ chức đoàn thể có 4 chiếc nữa… Nói chung là dường như tất cả các bộ phận đều có máy in riêng. Kinh phí để trang bị máy in đều do đảng ủy xã cân đối nguồn chi, tiết kiệm hội họp và các khoản không cần thiết để mua sắm. Theo chị  Phạm Thị Hồng, cán bộ Văn phòng - Thống kê: “Việc chi tiêu hàng năm đều được Đảng ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch từ năm trước. Đối với những đề nghị của cán bộ, công chức xét thấy phù hợp, phục vụ cho công việc là Bí thư quyết ngay”. Được biết, từ tiết kiệm chi, Tri Phú còn làm được nhiều việc có ích khác.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Vĩnh Lạc cho biết, một năm kinh phí huyện cấp cho Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể gần 300 triệu đồng. Mặc dù là xã 135 nhưng trụ sở làm việc của xã còn thiếu nhiều phòng làm việc. Nhiều phòng phải làm việc ghép với nhau. Có phòng diện tích chỉ có 9 m2 nhưng có tới 2 đến 3 bộ phận cùng làm việc. Vì vậy, năm 2014, cũng từ nguồn tiết kiệm chi, Đảng ủy xã đã quyết định xây mới thêm hai phòng làm việc. Nhiều năm qua, nhờ tiết kiệm chi, xã đã tự mua sắm bàn ghế làm việc cho cán bộ, công chức. Nếu ai đã có dịp đến Tri Phú mới thấy bộ phận “Một cửa” ở đây được xã trang bị điều kiện làm việc chẳng khác gì bộ phận “Một cửa” của huyện. Cũng từ nguồn tiết kiệm chi, xã còn hỗ trợ 4 chiếc máy tính cho trường THCS; hỗ trợ cho một đảng viên đang phải chạy thận nhân tạo; hỗ trợ gạo cho một gia đình đảng viên người Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi được hỏi, vì sao với nguồn kinh phí được cấp hàng năm chỉ có từng đó mà xã làm được nhiều việc như vậy, Bí thư Đảng ủy trả lời: “Có gì khó đâu, chỉ cần tiết kiệm là làm được. Khó khăn thì cùng Nhà nước khắc phục thôi”.

Tinh thần tự lực của cán bộ, công chức xã Tri Phú đã cho thấy ở đâu càng khó khăn thì ở đó càng cần sự quyết tâm và những cách làm sáng tạo. Tin rằng với sự nỗ lực ấy, cán bộ, công chức xã Tri Phú sẽ luôn bắt kịp với những tiến bộ, hiện đại, công nghệ thông tin mang no ấm về với người dân vùng 135.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục