Khẳng định hiệu quả sau sáp nhập thôn, tổ dân phố

Những năm qua, Tuyên Quang đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, được đa số người dân ủng hộ và đồng thuận. Đến nay, các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập đều đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Từ năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiệp sáp nhập 689 thôn, tổ dân phố để thành lập 332 thôn mới, tổ dân phố mới. Tiếp đó một số địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, thực hiện sáp nhập thôn nhằm đảm bảo quy mô dân số, diện tích theo quy định. Đến nay, các thôn, tổ dân phố sau sáp nhập đều hoạt động mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là bộ máy tinh gọn hơn, giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, giảm chi từ ngân sách nhà nước, trong khi đầu mối giải quyết công việc lại được thu gọn và hoạt động hiệu quả hơn.

Lãnh đạo xã Chiêu Yên (Yên Sơn) nắm tình hình nhân dân tại thôn Tân Phương sau sáp nhập thôn.

Đặc biệt, sau khi sáp nhập, các địa phương đã chỉ đạo kiện toàn chi bộ thôn, tổ dân phố để đảm bảo triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của từng địa bàn thôn, khu dân cư. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được quan tâm; năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt.

Năm 2019, tổ dân phố Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) được sáp nhập từ 3 tổ dân phố. Sau sáp nhập, Vĩnh Giang cũng là chi bộ có nhiều đảng viên nhất của Đảng bộ thị trấn với 60 đảng viên. Bà Vũ Thị Quế, đảng viên chi bộ tổ dân phố Vĩnh Giang chia sẻ, khi mới có chủ trương sáp nhập, một số người dân cũng băn khoăn khi phải thay đổi thông tin khi giải quyết một số thủ tục hành chính, số dân đông sẽ khó khăn trong triển khai các hoạt động... Tuy nhiên, sau một thời gian sáp nhập, quy mô dân số tăng lên, các hoạt động phong trào chung của tổ dân phố cũng vì thế mà sôi động và hiệu quả hơn. Tổ luôn dẫn đầu các phong trào văn nghệ, thể thao của Thị trấn. Trước khi sáp nhập, cả 3 tổ dân phố đều không có nhà văn hóa, khi sáp nhập cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân đã đóng góp tiền công để hoàn thiện nhà văn hóa, sân thể thao và khuôn viên đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của cả tổ dân phố. Nhân dân đều nhận thấy việc sáp nhập tổ dân phố là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Cuối năm 2023, thôn Tân Phương 5 và thôn Tân Phương 6, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) sáp nhập thành thôn Tân Phương theo nghị quyết của HĐND tỉnh trong sự đồng thuận rất lớn của người dân. Đồng chí Hà Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Việc sáp nhập thôn được xã triển khai thực hiện từ năm 2019 theo chủ trương nơi nào dễ làm trước, khó làm sau. Theo đó, xã đã sáp nhập được 6 thôn thành 3 thôn. Mới đây, tiếp tục thực hiện sáp nhập thôn Tân Phương theo đúng lộ trình. Các bước thực hiện sáp nhập được xã triển khai đúng quy định, đặc biệt là việc tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương sáp nhập, tiếp đó là bố trí cán bộ thôn phù hợp. Nhờ đó, khi thực hiệp sáp nhập 100% các hộ dân đều đồng tình.

“Trước đây, tuy 2 thôn Tân Phương 5 và Tân Phương 6 sống gần nhau, nhưng vì đường khó đi nên hai thôn ít giao lưu. Năm 2022 khi nhà nước đầu tư con đường 2 thôn trở nên gần nhau hơn. Cuối năm 2023 hai thôn “về chung một nhà”, dân đông nên việc huy động đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở hay phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng thuận lợi hơn. Tết vừa rồi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao của người dân sôi động hơn hẳn mọi năm” - Trưởng thôn Đinh Quốc Tỉnh vui vẻ chia sẻ.

Từ thực tiễn hoạt động các địa phương cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố đã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng quy mô thôn, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý, năng lực của cán bộ cơ sở; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong tổ chức thôn, bản, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải, lãng phí đầu tư.

Cùng với đó, sáp nhập các thôn, tổ dân phố còn làm tăng tính tự quản của người dân. Đội ngũ đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội cấp thôn tăng về số lượng, chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Qua đó các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, tạo điều kiện để triển khai sôi nổi, sâu rộng các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi các các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.  

Theo TQTĐ

Tin cùng chuyên mục