Sức vươn Yên Linh

Yên Linh có vị trí địa lý khá đặc biệt, bởi giao thông không thuận lợi để phát triển kinh tế. Trong suốt quá trình phát triển, bà con sinh sống trên dải đất Yên Linh luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng với những người dân nơi đây, những trở ngại ấy chính là động lực để họ vượt lên, biến vùng đất khó trở nên trù phú.

Một thời gian khó

Yên Linh là một trong 3 khu của xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Toàn khu vực gồm có 5 thôn: Pắc Kéo, Tông Đình, Tông Bốc, Khuổi Pài và Đèo Lang với tổng số gần 1.980 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 90%, còn lại người Dao. Một thời chưa xa, khi nhắc đến Yên Linh, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Cái khó ở đây, bởi đường vào các thôn khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi, người dân giao thương hàng hóa chỉ đi lại duy nhất một con đường liên thôn.

Cụ Nông Văn Nhật năm nay tròn 80 tuổi. Là người con của thôn Đèo Lang, bao năm gắn bó với mảnh đất này, cụ rất vui khi thấy sự đổi mới vùng quê cụ sinh sống. Cụ Nhật chia sẻ: “Yên Linh trước đây nghèo khó lắm. Bởi các thôn đều là đường đất, ngõ cụt, giao thông không thuận tiện để phát triển kinh tế. 10 năm trở lại đây, Kim Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới, các tuyến đường liên thôn, ngõ, xóm đều được bê tông hóa đã tạo sức bật cho Yên Linh phát triển. Từ đó các thôn xóm dần xuất hiện nhà cao tầng, ô tô, xe máy ngày một nhiều lên, đời sống bà con nâng lên từng ngày”.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Huyện ủy Chiêm Hóa thăm mô hình dưa lưới nhà màng thôn Pác Kéo, xã Kim Bình.    

Dẫn chúng tôi mục sở thị các tuyến đường nông thôn dọc ngang khu vực Yên Linh, ông Hà Công Cường, Công chức địa chính nông lâm nghiệp xã Kim Bình cho biết, những năm trước, nam thanh nữ tú ở đây sau khi tốt nghiệp THPT đều bảo nhau rời làng về phố tìm miền đất hứa, thậm chí có thanh niên bỏ làng lập nghiệp xứ khác, bởi quê nghèo quá, lại khó làm ăn. Nhưng nay khác rồi, thay vì đi làm các công ty, doanh nghiệp, một số bạn trẻ lựa chọn lập nghiệp ở quê, xây dựng các mô hình kinh tế, tạo luồng gió mới, từng bước biến vùng đất khó xưa kia trở nên sức sống.

Diện mạo mới

Chúng tôi được đồng chí Hà Công Cường dẫn đi thăm một số mô hình kinh tế trên dải đất Yên Linh. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là trang trại chăn nuôi gà thịt, trâu bò sinh sản của chàng trai trẻ người Tày Hoàng Văn Sình, thôn Đèo Lang. Trang trại gà thịt, trâu bò sinh sản của Sình nằm ở cuối làng, muốn đến trại phải tăng bo bằng xe máy. Sình bảo, do nhà ở cuối làng, hàng hóa vận chuyển khó khăn một chút nhưng được lợi thế trang trại ít người qua lại, chăn nuôi vì thế cũng ít bị dịch bệnh hơn.

Trước đây vợ Sình cũng đi làm công ty dưới Hà Nội, nhưng nay đã nghỉ hẳn ở nhà để cùng Sình chăm trại gà, chuồng trâu. Trang trại của Sình rộng gần 500 m2, xây dựng 4 khu riêng biệt, chuồng trâu, chuồng gột giống gà con và chuồng gà thịt riêng. Sình hiện là một trong 7 thành viên của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, liên kết chăn nuôi con gà ri theo tiêu chuẩn VietGap. Bình quân mỗi năm, trại của Sình nuôi trên 6.000 con gà thịt, doanh thu cũng ngót 800 triệu đồng.

Tôi hỏi Sình: “Lý do gì em lại chọn phát triển kinh tế ở quê nhà?”. Sình bảo: “Bởi tính lâu dài và ổn định chị ạ. Mặc dù em biết phát triển kinh tế ở nhà có nhiều chông gai, nhưng mình có một công việc với mức thu nhập ổn định và đặc biệt được làm việc tại quê, mình có điều kiện chăm sóc bố mẹ già. Nếu ai cũng chọn đi làm công ty, thì bao giờ quê mình mới khá lên được”.

Mô hình dưa nhà màng trên dải đất Yên Linh.

Rời nhà Sình, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã Tân Phát do anh Hoàng Văn Mạc làm Giám đốc. Hợp tác xã Tân Phát hiện sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhưng lĩnh vực chủ yếu là sản xuất bao bì. Anh Mạc chia sẻ: Tốt nghiệp THPT, anh cũng như bao chàng trai trẻ ở quê đi bôn ba khắp nơi kiếm sống. Qua làm việc nhiều công ty, doanh nghiệp, kiếm được chút đỉnh vốn, năm 2022 hai vợ chồng anh quyết định về quê lập nghiệp, đồng thời chọn nhãn hàng sản phẩm may bao bì.

Hiện nay, Hợp tác xã có 9 thành viên. Sau một năm hoạt động, đến nay, xưởng có bước đi ổn định, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Theo anh Mạc, xây dựng cơ sở sản xuất ở quê có nhiều lợi thế, đất đai rộng vừa tiết kiệm được tiền thuê xưởng vừa có đội ngũ lao động dồi dào.

Điểm đến thứ 3 của chúng tôi là mô hình dưa lưới nhà màng của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình do 3 chàng trai trẻ làm Ban quản trị, trong đó có Giám đốc Hợp tác xã Cao Văn Phúc, người thôn Pắc Kéo và Lục Văn Thuỳ thôn Đèo Lang. Mô hình có diện tích trên 3.000 m2 ban đầu trồng dưa baby, ngay sau đó là trồng dưa lưới. Theo anh Lục Văn Thùy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình cho biết, mỗi năm Hợp tác xã trồng 4 lứa dưa các loại, thu về từ 200 đến 300 triệu đồng tiền bán quả. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở mảnh đất cách mạng này. Mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã.

Rời Yên Linh khi nắng chiều đã ngả, những âm thanh vui nhộn của các trang trại, với những vườn dưa, ruộng ớt sai trĩu quả, với những mái nhà xây xanh đỏ kiên cố cùng những tiếng cười, ánh mắt hạnh phúc khi được mùa của  người dân nơi đây vẫn luôn văng vẳng trong tâm trí chúng tôi. Một Yên Linh tươi đẹp, trù phú đã và đang hiện hữu tại dải đất này./.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục