Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn rất gay go, quyết liệt, Tổ quốc lâm vào tình thế hết sức hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào với âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ”. Phía Nam, một đạo quân viễn chinh của quân Anh cũng kéo vào đất nước ta, núp sau bóng quân Anh là một đạo quân Pháp với âm mưu xâm lược cũng ngày đêm kéo vào đất nước ta. Trong khi đó, lực lượng Công an nhân dân non trẻ mới ra đời, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tuy trẻ, khỏe, nhiệt huyết nhưng trình độ còn thấp đã gánh vác những trọng trách, nhiệm vụ nặng nề.
Từ ngày 25 đến ngày 29/01/1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND). Hưởng ứng phong trào này, các sở, ty Công an đã tổ chức giao ước thi đua thực hiện tốt nội dung phong trào thi đua và đặt ra những giải thưởng có giá trị cho các tập thể, cá nhân lập công xuất sắc. Phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”,“Gây cơ sở, phá kỷ lục” đã tạo khí thế thi đua hăng say, nhiệt huyết trong công tác, chiến đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống giữa các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an.
Cùng với tờ Nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương, nhiều khu, sở, ty Công an cũng ra nội san nhằm tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho cán bộ, chiến sĩ Công an như: Công an Nam Định ra tờ “Luyện tiến”, Công an Tuyên Quang ra tờ “Trau dồi”… trong đó tờ Nội san “Bạn dân” của Công an Khu XII là một trong những nội san tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”. Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã viết thư kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948). Trong thư, đồng chí báo cáo với Bác về niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947; đồng thời có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho cán bộ, chiến sĩ Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an.
Đáp ứng nguyện vọng đó, giữa những bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, quyết liệt. Ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, lúc đó là Giám đốc Công an Khu XII. Trong thư, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an phải rèn luyện Tư cách người Công an cách mệnh. Nội dung bức thư ngay sau đó được đăng trên báo Bạn Dân để tuyên truyền đến từng cán bộ, chiến sĩ Công an.
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11/3/1948.
Nguồn: Tạp chí điện tử Thế giới Di sản.
1. Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là những lời di huấn mang tầm vóc chiến lược, kết tinh trí tuệ, tình cảm bao la mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho lực lượng CAND; tác phẩm đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, vô cùng quý giá, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng CAND; là mục tiêu phấn đấu, phương châm hành động của CBCS Công an qua các thời kỳ; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp đỡ cho lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bảo vệ ANTT.
1.1. Là nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân
Thực tiễn đã chứng minh, từ khi ra đời đến nay, lời dạy CAND của Bác Hồ về tư cách người Công an cách mạng đã trở thành nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam soi đường, dẫn lối, song hành cùng với quá trình xây dựng và phát triển không ngừng của CAND Việt Nam. Lời dạy của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng để hoàn thiện lý luận về xây dựng lực lượng CAND.
Tác phẩm đã nêu lên nội dung cốt lõi, quan trọng nhất cần xây dựng ở lực lượng CAND, đó là tư cách, đạo đức; sự thống nhất giữa tài và đức; sự thống nhất giữa tư tưởng, hành động và phong cách ứng xử của người CBCS CAND. Trong đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng CAND về tư cách, đạo đức là công việc gốc rễ. Bởi lẽ, trong tư tưởng của Người, đạo đức có một vai trò vô cùng quan trọng, là cái gốc của người cán bộ cách mạng, là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, là giải pháp then chốt quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cho nên, để nhân dân tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ, cán bộ Công an bên cạnh việc có tài năng thì cần phải rèn luyện tư cách đạo đức. Nhờ vậy, lực lượng CAND không ngừng được xây dựng và phát triển toàn diện về mọi mặt, luôn là lực lượng tin cậy, trọng yếu của Đảng, của nhân dân.
Suốt 79 năm qua, lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng CAND luôn mang tính thời sự và ngày càng trở nên có ý nghĩa thiết thực: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, mỗi CBCS CAND luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh quên mình đóng góp thành tích quan trọng để giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước. Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hiện đại, trước những đòi hỏi và yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc ngày càng nặng nề, chúng ta vẫn thấy xuất hiện nhiều hơn hình ảnh những chiến sĩ Công nhân dân với sự hy sinh và xả thân thầm lặng, những việc làm nhân văn, nghĩa cử cao đẹp. Hình ảnh người Công an là bạn dân, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân đã thể hiện rõ ở nhiều nơi, nhiều lúc, rất gần gũi và sinh động. Đó là hình ảnh những CBCS CAND lao mình xuống dòng nước xiết, dầm mình trong lũ dữ, không ngại hiểm nguy lao vào đám cháy để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Hình ảnh những CBCS CAND chăm sóc người bị nạn, thăm hỏi, tặng quà người gặp hoàn cảnh khó khăn, người lang thang cơ nhỡ, dựng lại nhà, gặt lúa giúp dân... Đặc biệt, trong những cuộc đối đầu với các loại tội phạm nguy hiểm, máu của các anh vẫn đổ xuống để bảo vệ và giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân.
Những lời huấn chỉ của Người về tư cách người Công an cách mệnh đã soi đường cho cuộc đấu tranh của lực lượng CAND giành nhiều thắng lợi vẻ vang, giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi thời kỳ cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
1.2. Là di sản vô giá, cẩm năng gối đầu giường của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là Di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho lực lượng Công an nhân dân; mãi mãi trường tồn, bất diệt với thời gian. Từ khi ra đời , tác phẩm luôn được lực lượng CAND lưu giữ một cách trang trọng nhất và luôn được tổ chức học tập, thực hành một cách nghiêm túc, tự giác. Đây là tài liệu mẫu mực trong việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối của của lực lượng Công an sống, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng CAND trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ, đã trở thành cẩm nang gối đầu giường của các thế hệ CBCS CAND Việt Nam. Từng CBCS Công an luôn thấm nhuần sâu sắc những lời chỉ dạy quý báu của Người và cụ thể hóa trong từng hành động, việc làm đều hướng tới mục tiêu vì nước, vì nhân dân.
Từ lời chỉ dạy quý báu của Người, nhiều thế hệ CBCS Công an nhân dân đã vượt qua mọi khó khăn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công hiển hách. Vượt qua thời gian, đến nay, những chuẩn mực tư cách, đạo đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vẫn còn nguyên giá trị và sức lan tỏa sâu rộng không chỉ trong lực lượng CAND mà còn trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức có thể soi vào sáu điều Bác Hồ dạy CAND để học tập, rèn luyện và hành động. Khi nhận thức tư cách, đạo đức như những chuẩn mực trong quan hệ giữa con người với nhau và với cộng đồng, được xã hội thừa nhận, trên thực tế đã làm nổi bật những quan hệ cơ bản trong đời sống chính trị - xã hội. Người đã đặt lên hàng đầu quan hệ nội tâm, nội tại (tự mình) của mỗi con người. Sự tự rèn luyện của mỗi cá nhân là đặc biệt quan trọng, vượt qua những cám dỗ, ham muốn, giữ vững lý tưởng cách mạng, niềm tin thật sự cần, kiệm, liêm, chính là điều căn bản đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Các mối quan hệ khác được Người đề cập thật giản dị mà vô cùng sâu sắc (với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc, với địch). Những quan hệ đó không chỉ là cách ứng xử, mà còn là trách nhiệm công vụ, bản chất chính trị của Công an nhân dân trong bộ máy nhà nước cách mạng kiểu mới. Càng đọc, càng suy ngẫm, chúng ta càng thấy sự thống nhất kỳ lạ giữa tư cách đạo đức với chức trách, nhiệm vụ, giữa tình và nghĩa, giữa nhận thức và hành động, giữa sự nghiệp lớn lao và những hành động cụ thể. Sự thống nhất đó trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy đã làm sáng lên phẩm chất cao đẹp và cũng là niềm tự hào của CAND mà nhiều thế hệ đã phấn đấu hy sinh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta phải chủ động phòng ngừa, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, hoạt động “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự. Đồng thời, lực lượng CAND phải tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục thiên tai, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng nặng nề đó, đòi hỏi mỗi CBCS càng phải học tập, thực hiện tốt hơn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong thực tiễn công tác, chiến đấu.
Học tập, thực hành lời huấn thị của Người, trong thời gian tới của lực lượng CAND không tách rời nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhớ lời Bác, từng CBCS trong lực lượng CAND cần suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình, tự rèn luyện, học tập, làm việc đạt kết quả tốt nhất, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Quán triệt tư tưởng của Người, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng CAND luôn đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào Nhân dân để rèn luyện, chiến đấu. Có thể khẳng định, truyền thống hào hùng, vẻ vang của CAND Việt Nam có được luôn gắn chặt và là kết quả của việc lực lượng Công tập và thực hành nghiêm túc lời dạy CAND của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách người Công an cách mạng.
Cán bộ Công an huyện Chiêm Hoá cấp thẻ Căn cước cho công dân.
Nguồn: Trang Facebook “Công an huyện Chiêm Hoá”
1.3. Nghiên cứu, thực hành Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là điểm gốc, điểm nền để thực hiện thành công cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”
Nghiên cứu, tìm hiểu Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, lực lượng Công an nhân dân nhận thấy trong đó có đầy đủ những biểu hiện của phong cách “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
“Phong cách bản lĩnh” là phẩm chất tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo, trong suy nghĩ, hành động luôn kiên định, không dao động trước bất cứ tác động nào. Đây là điểm đặc trưng dễ thấy ở phong cách ứng xử của người CBCS Công an. Người cho rằng, “phong cách bản lĩnh” của CBCS Công an biểu hiện trước hết qua cách ứng xử với chính bản thân, luôn tự nguyện chấp nhận sẵn sàng hy sinh, vượt qua gian khổ để phục vụ sự nghiệp cách mạng mà đỉnh cao trong đó là việc dũng cảm nhận lỗi, tự phê bình. Song “bản lĩnh” hoàn toàn khác sự ngoan cố. Để có được “phong cách bản lĩnh”, CBCS Công an phải “cần, kiệm, liêm, chính”, bởi đạo đức là cái gốc của bản lĩnh. Người từng nói: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”; “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”;... không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”. Biểu hiện tiếp theo của “phong cách bản lĩnh” ở người CBCS Công an là sự “cương quyết, khôn khéo” trước địch, không “tham danh lợi, không sợ uy quyền”, không bị địch mua chuộc dụ dỗ, khống chế. Cuối cùng là bản lĩnh trước đồng chí, đồng sự, đó là việc CBCS Công an vượt qua sự tác động tiêu cực của lòng đố kỵ để sống với đồng sự thân ái, giúp đỡ; đối diện trước những sai phạm của đồng chí, đồng sự, mạnh dạn phê bình, góp ý, sẵn sàng giúp đồng chí sửa chữa, tiến bộ.
“Phong cách nhân văn” là biểu hiện những phẩm chất tốt đẹp, đạo đức, sáng tạo của con người. Nhân văn thể hiện những ý nghĩa vì con người, tôn trọng con người, giải phóng con người, phát triển và hoàn thiện con người. “Phong cách nhân dân” là sự không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân về tư cách, đạo đức ở mỗi người CBCS Công an làm cho phần tốt nảy nở, những khuyết điểm, hạn chế dần triệt tiêu, để xứng đáng là người Công an cách mệnh phục vụ đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng và xét đến cùng để đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Kiên quyết trấn áp kẻ địch qua cách ứng xử “cương quyết, khôn khéo” để vì con người, yêu thương con người, trân trọng phẩm giá của con người. “Phong cách nhân văn” xuất phát từ một quan điểm cốt lõi là yêu thương, quý trọng con người, giáo dục con người, lấy con người là mục tiêu trọng tâm. Với phương châm như thế, những lời huấn thị của Người là để chỉ đường, dẫn lối mỗi CBCS Công an hoàn thiện tư cách, đạo đức của mình, lấy đó là cơ sở, nền tảng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ.
“Phong cách vì dân phục vụ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một cách rõ ràng, đầy đủ toàn diện: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Trong từng suy nghĩ, hành động, công an phải hướng tới mục tiêu vì dân, phục vụ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hành quyền là chủ, làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh.
Như vậy, việc phát động cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” thực chất là lực lượng Công an nhân dân đang thực hành sáng tạo Sáu điều Bác Hồ dạy. Phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng, của dân tộc; là tấm gương sáng để mỗi người trong chúng ta học tập và noi theo. Với giá trị và ý nghĩa to lớn như vậy, Bộ Chính trị khóa XII đã ra Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một giải pháp thiết thực, quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, CBCS Công an khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết về cách ứng xử trong công tác và cuộc sống đời thường, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với việc làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân...
Hơn nữa, hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều nhân tố tác động, ảnh hưởng đến việc xây dựng văn hóa ứng xử của Công an nhân dân. Đặt dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết tâm, sáng tạo, nhạy bén của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, công tác xây dựng văn hóa ứng xử Công an nhân dân thời gian qua đạt được những kết quả to lớn: cán bộ Công an nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; mỗi CBCS Công an đều mang trong mình niềm tin vào phẩm giá của con người, ứng xử nhân văn, khoan dung, độ lượng với người khác, nghiêm khắc đối với bản thân mình.
2. 76 năm từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những lời dạy CAND về tư cách người Công an cách mạng, lực lượng CAND đã linh hoạt, sáng tạo triển khai thành phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” một cách liên tục, nghiêm túc, sâu rộng, dưới nhiều hình thức, biện pháp, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công an và lực lượng vũ trang Hà Nội cùng nhân dân dựng chiến lũy trên đường phố Thủ đô chống giặc Pháp trở lại xâm lược.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Ngay từ năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đã gắn với phong trào thi đua ái quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên khắp mọi miền Tổ quốc đã có nhiều hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Qua đó, giáo dục, động viên CBCS Công an tu dưỡng, rèn luyện giữ vững phẩm chất đạo đức, tư cách của người Công an cách mệnh, giữ vững mối liên hệ máu thịt giữa Công an với Nhân dân, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn phản động, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị, lấy Sáu điều Bác Hồ dạy làm nội dung để CBCS liên hệ, kiểm điểm, xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tin sắt đá vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng; đấu tranh phê phán, khắc phục kịp thời những biểu hiện tư tưởng do dự, thoái thác nhiệm vụ. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”; phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ”; phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Thanh niên năm xung phong”, “Phụ nữ ba đảm đang”. Phát động phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”; phong trào “Xây dựng đảng bộ, chi đoàn bốn tốt, đảng viên, đoàn viên bốn tốt” và phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, chiến đấu”; thực hiện khẩu hiệu hành động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng CAND đã có những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Sáu điều Bác Hồ dạy; tổ chức các cuộc sinh hoạt chính trị, liên hệ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Sáu điều Bác Hồ dạy; xây dựng chuẩn mực đạo đức của CBCS Công an theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua, gặp mặt, nhân điển hình tiên tiến, bình công, báo công, bình xét phân loại CBCS theo Sáu điều Bác Hồ dạy; tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, tiếp thu ý kiến của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở góp ý đối với tập thể, cá nhân CBCS về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm với công việc, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân.
Công an thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa đang kiểm tra mô hình “Camera về an ninh trật tự”.
Nguồn: Trang Facebook “Công an huyện Chiêm Hóa”.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, thời đại kết nối và công nghệ số, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, các loại tội phạm ngày càng đa dạng, tinh vi, tiềm ẩn phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm phi truyền thống, lực lượng CAND đã quán triệt lời Bác dạy: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, áp dụng phương châm “chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động chống phá từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia”, không để hình thành tổ chức phản động, tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra khủng bố trong nước; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân vững chắc. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tổ chức đạt hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước về ANTT có nhiều dấu ấn quan trọng, lực lượng CAND không ngừng đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, như: tham mưu triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, tổ chức thực hiện quyết liệt và đã hoàn thành những nhiệm vụ, chỉ tiêu chính, trọng tâm của Đề án 06, gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tạo nhiều thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Công tác xây dựng lực lượng CAND cũng đạt được những thành tựu đáng kể, Bộ Công an đã chủ động tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; gắn với điều chỉnh phân công, phân cấp nghiệp vụ, cơ cấu cán bộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí ở 04 cấp Công an; quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm đột phá xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ,góp phần giải quyết hiệu quả tình hình ANTT từ cơ sở với phương châm “Công an tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân ngay từ thôn, bản, xóm, làng. Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, sau một năm triển khai tạo khí thế thi đua, quyết tâm trong các đảng bộ, đơn vị trong toàn quốc thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết theo lộ trình: đến năm 2025, xây dựng lực lượng CAND tinh, gọn, mạnh, các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2030, xây dựng toàn lực lượng CAND hiện đại.
3. Trước tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp đã đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết trong quá trình học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong thời gian tới như sau:
Tổ chức lưu giữ, bảo quản Sáu điều Bác Hồ dạy CAND một cách trang trọng và tốt nhất; bảo vệ tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của tác phẩm.
Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện phong trào học tập, thực hành “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND” một cách sâu rộng, tự giác trong toàn lực lượng CAND. Tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang; những thành tựu của lực lượng CAND đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện phong trào; chủ động xây dựng những giải pháp khoa học, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố tác động tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”.
Sáng tạo, linh hoạt, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tổ chức học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm lịch sử, gắn nhiệm vụ chính trị của Đảng, của lực lượng Công an nhân dân trong mỗi giai đoạn, thời kỳ.
Ngoài ra, phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và Nhân dân trong quá trình tổ chức, thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”.
Cán bộ Công an huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về nguồn tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nguồn: Trang Facebook “Công an huyện Chiêm Hóa”.
4. Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy về tư cách người Công an cách mạng có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của CAND. Nhân cách cao đẹp của mỗi CBCS sẽ tạo nên một sức mạnh vô địch của toàn lực lượng. Tư cách người Công an cách mạng là tổng thể hợp thành bao gồm 6 mối quan hệ cơ bản. Trong đó mối quan hệ với mình được Bác Hồ đưa lên hàng đầu: Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Vì vậy, đòi hỏi bản thân mỗi CBCS Công an luôn nhận thức rõ và thấm nhuần sâu sắc việc rèn luyện phẩm chất cách mạng, trau dồi đức “cần, kiệm, liêm, chính” là trách nhiệm và mục tiêu phấn đấu của mình khi khoác lên vai mình màu áo “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Thứ nhất, Chữ “Cần”: Cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn mang trong mình tâm thế “vì nước quên thân”, “vì nhân dân phục vụ”, trong các công việc, nhiệm vụ được giao cần luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu phục vụ công tác chuyên môn và nhiệm vụ được giao để từ đó đạt kết quả cao trong các mặt công tác; thực hiện sáng tạo, có kế hoạch, khoa học, ứng dụng phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị nơi tôi đang công tác. Phải hiểu được rằng trong công tác chiến đấu của lực lượng CAND, chữ “cần” đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chữ “Cần” trong lời dạy của Bác là bản chất siêng năng cần mẫn trong mỗi người CBCS CAND, chứ không phải chữ “cần” bộc phát, nhất thời. Bởi vậy, mỗi CBCS CAND cần thực hiện tốt công việc chuyên môn của mình, đoàn kết xây dựng tập thể trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Phóng sự “Hoa nở từ tro tàn” của Công an huyện Chiêm Hoá.
Thứ hai, Chữ “Kiệm”: Đây là một nguyên lý, phương châm đòi mỗi CBCS trong lực lượng CAND phải thấu hiểu và thực hành thường xuyên trong cuộc sống và trong công tác chiến đấu. “Kiệm” ở đây là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm trước hết phải là tiết kiệm thời gian, bởi thời gian là vàng là ngọc, điều này đặc biệt quan trọng đối với tính chất, đặc thù riêng biệt của lực lượng CAND. Trong công tác và chiến đấu, nếu mỗi CBCS biết tận dụng và tiết kiệm thời gian thì sẽ có thêm thời gian dành cho những công việc mới, có thêm cơ hội mới để tạo nên những giá trị mới. Chính vì vậy, phải luôn sắp xếp thời gian một cách hợp lý, tận dụng mọi khoảng thời gian để giải quyết công việc, lập kế hoạch. Xác định rõ mục tiêu và cách thức hoạt động cụ thể, đồng thời phân bổ thời gian hợp lý cho mọi hoạt động trong công việc và cuộc sống, sao cho “một giờ làm xong công việc của 2-3 giờ, một người làm xong công việc của 2-3 người”. Hơn hết cần hiểu và luôn thực hiện tiết kiệm cũng để nhằm giúp cho lực lượng CAND hoàn thành nhiệm vụ trong công tác, chiến đấu chống tội phạm, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính.
Trong công tác của CAND, để việc tiết kiệm được thực hiện, mỗi CBCS trong toàn lực lượng cũng cần phải làm việc có tổ chức, có trách nhiệm; dù là việc to hay việc nhỏ đều phải có kế hoạch cụ thể, đó cũng là một phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng yêu nước.
Thứ ba, Chữ “Liêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Liêm là không tham ô, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người trong mọi hoạt động công tác, tiếp xúc, hướng dẫn Nhân dân phải luôn tự nhắc nhở mình đề cao chữ “Liêm”, lấy sự phục vụ Nhân dân là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân. Từ đó bài trừ cho mình thái độ vòi vĩnh, đòi hỏi, hạch sách đối với Nhân dân. Mang trong mình sự chính trực và ngay thẳng sẽ làm cho Nhân dân luôn hiểu và tin tưởng vào lực lượng CAND, để CAND luôn “vì dân phục vụ”. Cùng với phải luôn chấp hành nghiêm chỉnh những quy định pháp luật của Nhà nước; Điều lệnh CAND nhằm phục vụ lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của Ngành Công an được nhiều nhất, tốt nhất
Thứ tư, Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính. Mỗi CBCS Công an phải luôn nhắc nhở bản thân luôn thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác trong công tác cũng như cuộc sống. Bởi cần, kiệm, liêm, chính luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Những yếu tố trên là thước đo giá trị nhân cách, đạo đức của mỗi CBCS CAND.
Trên hết, luôn hiểu và xác định rõ ràng, vận dụng thực tiễn “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính” là hạt nhân cơ bản xuyên suốt trong Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính là cơ hội, giải pháp phòng chống, đẩy lùi suy thoái trong lực lượng CAND Việt Nam. Đặc biệt, cần, kiệm, liêm, chính cũng là chuẩn mực đạo đức, là tiền đề xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc học tập, rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính” là công việc hằng ngày, giúp bản thân giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, luôn coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Lực lượng Công an huyện Chiêm Hóa về nguồn tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Nguồn: Công an huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang
Như vậy, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND nội hàm là những giá trị tư tưởng, cách mạng, đạo đức nhân văn cao quý; không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị thời đại. Sáu điều Bác Hồ dạy tuy ngắn gọn, giản dị nhưng đã khái quát rõ hình mẫu chuẩn mực về đạo đức, phong cách, phương châm hành động và thái độ ứng xử của người CBCS Công an.
Bởi vậy, lực lượng CAND luôn đặc biệt coi trọng việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy và coi đây là chuẩn mực để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho CBCS trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; đồng thời là "vũ khí” sắc bén để đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi có hiệu quả đối với những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Gửi phản hồi