Xây dựng chính quyền số phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân

Xây dựng chính quyền số là một trong số những mục tiêu quan trọng mà tỉnh ta hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Tất cả hoạt động của các cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Tỉnh ta đã và đang xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để xây dựng, phát triển chính quyền số, tỉnh tập trung vào 4 nhóm nội dung. Đó là phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các ứng dụng - cơ sở dữ liệu và dịch vụ số, bảo đảm an ninh mạng. Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể.

Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu thông tin trên hệ thống mạng điện tử.

Đơn cử như việc triển khai ứng dụng nền tảng số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 26-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện dự án Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử (WebGIS) phục vụ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển đổi số trong nông nghiệp đến năm 2030. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng phần mềm và kho dữ liệu dùng chung của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoàn thành nội dung tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án: “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021 - 2025”, làm cơ sở hình thành CSDL Quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.

Cùng với đó các nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh (LGSP tỉnh Tuyên Quang) đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh, như: hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Tuyên Quang; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Tuyên Quang… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh tới cấp xã.

Chỉ tính riêng hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh đã được đầu tư với 166 điểm cầu, kết nối các điểm cầu từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh đã phục vụ gần 60 cuộc họp được tổ chức trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, hiện nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có hệ thống truyền hình trực tuyến. Nhiều cuộc họp, chỉ đạo các nhiệm vụ của huyện được thực hiện bằng trực tuyến đến các xã đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Từ ngày 1-1-2022 đến ngày 30-6-2022, tổng số văn bản gửi qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tỉnh Tuyên Quang là 61.507 văn bản. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt 1% (không bao gồm các văn bản mật). Đến thời điểm hiện tại, có 1.750 chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ đã được cấp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thường xuyên sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử; tỷ lệ cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử chính thức đạt 98% và thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc.

Đến thời điểm hiện tại, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 582 dịch vụ công. Có 1.784/1.870 thủ tục hành chính đang thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỉnh đã hoàn thành kết nối Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với hệ thống thu thập, đánh giá mức độ truy cập sử dụng Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương (Hệ thống EMC) để phục vụ việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số của tỉnh.

Đồng chí Hồ Thị Phương Lan, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ Thông tin - Bưu chính Viễn Thông, Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Mọi hoạt động của chính quyền đang hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

 

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục