Xác thực sinh trắc học: Tránh lừa đảo giao dịch qua ngân hàng

Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng đi vào cuộc sống từ 1/7/2024 không chỉ bảo vệ an toàn cho khách hàng, mà còn kỳ vọng giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.

“Tấm khiên” bảo vệ khách hàng

Tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN phân loại giao dịch thành 4 loại A, B, C, D với 2 loại chuyển tiền và thanh toán. Các giao dịch thanh toán trực tuyến dịch vụ điện, nước, viện phí, học phí… dưới 100 triệu đồng không phải xác thực sinh trắc học; nếu có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng, thì mới phải xác thực sinh trắc học.

Đối với chuyển tiền, các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch có giá trị dưới 10 triệu đồng nhưng có tổng giá trị giao dịch trong 1 ngày vượt quá 20 triệu đồng, thì phải xác thực bằng sinh trắc học. Sau khi xác thực xong, thì ngưỡng giao dịch sẽ đặt lại (reset) từ đầu.

Chị Nguyễn Thị Phượng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho rằng, việc bắt buộc người dùng phải xác thực sinh trắc học trong các giao dịch tài chính có giá trị lớn là giải pháp bảo vệ tốt hơn cho người dùng. Theo chị Phượng, thông qua nhận diện khuôn mặt, chị cảm thấy yên tâm hơn vì có cảm giác khuôn mặt của mình sẽ khó giả mạo hơn là các phương thức truyền thống như mã OTP hay mật khẩu.  

Nhân viên ngân hàng MB Tuyên Quang hỗ trợ khách hàng thực hiện sinh trắc học.

Với phương thức xác thực khuôn mặt này, khách hàng chỉ mất thêm vài giây để xác thực cho giao dịch nhưng lại đảm bảo chỉ có cá nhân chính chủ mới có thể thực hiện được thao tác chuyển tiền. Đây là “tuyến phòng thủ” bổ sung quan trọng ngoài mật khẩu và Digital OTP, giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm ngay cả khi bị mất thiết bị.

Dễ làm, dễ thực hiện

Ông Hứa Thanh Tùng, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, BIDV Tuyên Quang cho biết, BIDV Tuyên Quang đã chủ động triển khai giải pháp thu thập sinh trắc học từ quý I năm 2024. Quá trình này được tiến hành theo từng giai đoạn giúp khách hàng làm quen với phương thức bảo mật mới. Cụ thể, với các giao dịch cần xác thực sinh trắc học, bên cạnh phương thức xác thực bằng mã Smart/SMS OTP, khách hàng phải đối chiếu hình ảnh khuôn mặt thực tế của người đang thực hiện giao dịch đảm bảo khớp đúng với dữ liệu lưu trữ trong chip của căn cước công dân. Việc bổ sung thêm lớp bảo mật sinh trắc học này sẽ giúp hạn chế tối đa các thủ đoạn mạo danh lừa đảo, chiếm quyền truy cập thiết bị hoặc đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản. Đến nay, BIDV Tuyên Quang đã thực hiện sinh trắc học cho hơn 9.700 khách hàng.

Ngân hàng MB Tuyên Quang đã thực hiện sinh trắc học được 27.000 khách hàng, trong đó 18.000 khách hàng thực hiện trên áp, 9.000 khách hàng không thực hiện được online đều được hỗ trợ hoàn thành tại quầy. Theo ông Triệu Tiến Dương, Phó Phòng Khách hàng cá nhân MB Tuyên Quang, ứng dụng MBBank có thể ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, kể cả khi sử dụng công nghệ deepfake nhờ phát hiện các khuôn mặt không đúng với khuôn mặt người đăng ký, đồng thời cũng từ chối nhận diện các trường hợp đeo khẩu trang, che mặt, đeo kính râm, hay các hành động cố tình không để lộ rõ khuôn mặt khi xác thực giao dịch.

Các ngân hàng khác như Agribank, VietinBank, SHB, HDBank, LPBank Tuyên Quang cũng không ngừng hỗ trợ, tuyên truyền tới người dân thực hiện xác thực sinh trắc học. Theo đánh giá của các ngân hàng, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang việc thu thập, xác thực sinh trắc học bước đầu có thể gặp chút ít trở ngại do khách hàng chưa hiểu biết ở khâu cập nhật, phần lớn ở khâu quét NFC trên căn cước công dân (NFC là viết tắt của cụm từ Near-Field Communications, là công nghệ kết nối không dây tầm ngắn trong khoảng cách 4 cm.

Công nghệ này sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị). Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các ngân hàng đều đã truyền thông, hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới khách hàng các bước thực hiện cung cấp dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng của các ngân hàng, các thao tác dễ làm, dễ thực hiện.

Trong thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Người dân hết sức thận trọng, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, không nhấp vào đường link hoặc tải ứng dụng từ người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng, hoặc giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội.

Theo TQTĐ

Tin cùng chuyên mục