Đến cuối năm 2021, xã Sơn Nam (Sơn Dương) đã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam cho biết: cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Chính vì vậy, Đảng bộ xã luôn đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khơi dậy tính tự lực, tự cường, chủ động tích cực của người dân trong thực hiện chương trình.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để tiếp tục hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã Sơn Nam đã ban hành nghị quyết, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp rà soát các tiêu chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể, từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến nay, xã huy động được hơn 26,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, bê tông hóa hơn 86 km đường giao thông. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/người/năm.
Xã Kim Quan phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Đồng chí Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ: xã đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2016. Không dừng lại và hài lòng với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ xã quyết tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí. Mới đây xã đã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao, là xã đầu tiên của huyện có được vinh dự này. Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng lãnh đạo nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân; chủ động xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương và tập trung lãnh đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng của địa phương. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 161,3 ha nhãn và 51 cơ sở chế biến long nhãn. Ngoài ra, xã còn có các mô hình hợp tác xã về chăn nuôi trâu vỗ béo, chăn nuôi lợn, cung ứng con giống, trồng gấc... đều là những mô hình điển hình của huyện Chiêm Hóa. Thu nhập bình quân của xã đến nay đạt 43,2 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa Ma Phúc Hà chia sẻ: để đạt chuẩn nông thôn mới cũng như nông thôn mới nâng cao, các địa phương bên cạnh sự vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất thì vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng là rất quan trọng. Trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, bám sát mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và người dân.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là xây dựng nông thôn mới ngoài việc tập trung cơ sở vật chất khang trang, bộ mặt nông thôn được đổi mới thì nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao đời sống của người dân. Với tinh thần đó, để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 54/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 địa phương cấp huyện là thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Gửi phản hồi