Nối tiếp truyền thống
Ai đã từng đến thôn Nặm Kép làm việc chắc hẳn đều ấn tượng với cung cách làm việc tận tâm, đến nơi đến chốn của đội ngũ cán bộ thôn. Trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ… đều diễn ra sôi nổi và dân chủ, không chỉ có cán bộ thôn phát biểu mà đảng viên, nhân dân tích cực tham gia ý kiến đóng góp hoặc “hiến kế” giúp thôn triển khai hiệu quả các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh và huyện.
Trong cuộc làm việc gần đây, chúng tôi khá bất ngờ vì được gặp gỡ tất cả thế hệ bí thư chi bộ, trưởng thôn qua các thời kỳ. Điều này đã cho thấy một tinh thần đoàn kết hết lòng vì việc chung ở Nặm Kép. Những kết quả được kế thừa và phát huy với sự đồng lòng, vì mục tiêu chung nâng cao đời sống nhân dân. Những giải pháp, cách làm từ bí thư chi bộ, trưởng thôn trước được truyền tiếp, chuyển sang khóa sau làm nốt những việc chưa làm được hay còn dang dở.
Nhà văn hóa thôn Nặm Kép.
Đồng chí Ma Văn Va, Bí thư Chi bộ đầu tiên của thôn Nặm Kép kể lại, ngày trước thôn khó khăn lắm, có lúc tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 80%, đường đi lại khó khăn vô cùng, để thông báo họp thôn có khi mất đến ngày rưỡi. Lúc ấy cán bộ thôn trăn trở lắm, từ định hướng của tỉnh thôn đã vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Để dân tin, cán bộ thôn đi trước, làm trước thành công rồi vận động người dân làm theo. Các mô hình phát triển kinh tế như trồng rừng, chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng đã được triển khai sau những cuộc họp thôn như vậy và đến nay vẫn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Bản thân đồng chí Lương Hải Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Kép bây giờ cũng chính là người đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài trồng rừng, gia đình đồng chí Tuyên còn xây dựng chuồng trại nuôi trâu bò nhốt chuồng đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, đồng chí Tuyên đã vận động bà con trong thôn cùng làm, chia sẻ kinh nghiệm để người dân áp dụng, coi mô hình mình như là nơi để bà con lui tới tham quan.
Đồng chí Lương Hải Tuyên cho biết, để người dân “mắt thấy tai nghe” thì cán bộ phải là người đi đầu, cán bộ làm được nói được thì người dân tin. Khi bà con chịu thay đổi thói quen canh tác sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì thu nhập sẽ tăng việc giảm nghèo là tất yếu. Và khi bà con khá lên thì việc huy động ủng hộ xây dựng nông thôn mới được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Một đoạn đường bê tông nông thôn và cầu bắc qua suối ở thôn Nặm Kép.
Điển hình xây dựng nông thôn mới
Khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa là cả một quá trình làm thay đổi tư duy người dân vùng quê như Nặm Kép. Ông Ma Văn Toản, người nuôi nhiều trâu, bò nhất thôn Nặm Kép cho biết, lúc đầu ai cũng sợ, vì trâu bò bà con mình nhà nào nhiều cũng chỉ nuôi 1, 2 con lấy sức kéo và chủ yếu thả rông nay lại nhốt chúng lại mà nuôi cả đàn thì lo lắm lấy đâu thức ăn cho đủ.
Sau mình được cử đi tập huấn biết kỹ thuật chăm sóc, trồng thêm cỏ voi, dùng các phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn tăng cường… thì trâu, bò sinh trưởng rất tốt. Đặc biệt nhất là nuôi nhốt chuồng vào mùa rét trâu bò không bị chết mà được sưởi ấm, bà con nhờ nghề này mà nhiều hộ đã có của ăn của để. Thế mới thấy trong cuộc sống cần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, nếu không thay đổi thì chỉ có nghèo mãi thôi.
Ở thôn Nặm Kép, chuyện gia đình anh Ma Văn Dí, dân tộc Tày vừa nuôi 2 người con học đại học vừa xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang khiến ai nấy đều cảm phục. Ngày trước đất đồi bỏ hoang hoặc trồng cây ngắn ngày hiệu quả rất thấp gia đình anh đã phá bỏ chuyển sang trồng rừng và giàu lên nhờ rừng. Anh Dí phấn khởi nói, tất cả là nhờ rừng đấy, năm ngoái mình bán cây được gần 400 triệu đồng. Hiện gia đình đang chăm sóc hơn 10 ha rừng trồng, trồng rừng là rất phù hợp với miền núi quê mình vì vừa bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp vừa cho thu nhập ổn định, bền vững.
Phát triển nghề trồng rừng giúp nhiều hộ dân ở thôn Nặm Kép vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Theo thống kê của các hộ trồng rừng ở Nặm Kép thì mỗi ha rừng cho thu hoạch từ 70 đến 100 triệu mỗi ha chính vì thế đây là hướng đi rất phù hợp bởi địa hình đồi núi chiếm chủ yếu. Hiện toàn thôn Nặm Kép có 100 hộ thì có tới trên 70 hộ có rừng trồng với hơn 300 ha rừng trồng và gần 100 ha trồng cây ăn quả như cam, chanh, bưởi. Nhiều hộ có số lượng rừng trồng lớn đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm như gia đình ông Quan Văn Dũng, Lương Văn Vĩnh, Lương Văn Hùng, Ma Văn Huân…
Từ phát triển nghề nuôi trâu bò nhốt chuồng và trồng rừng đã giúp người dân thôn Nặm Kép vươn lên thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Đến nay toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm trên 60%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 90%, thôn đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Ma Văn Tỵ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hùng Mỹ cho biết, Nặm Kép là thôn luôn đi đầu trong phong trào thi đua làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới của xã Hùng Mỹ.
Chi bộ có nhiều đảng viên gương mẫu đã làm gương để quần chúng noi theo, những kết quả tiêu biểu của nhân dân thôn Nặm Kép đạt được đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông của xã. Qua đó đã lan tỏa tinh thần vươn lên, dám nghĩ dám làm, tạo động lực cổ vũ toàn xã hoàn thành các mục tiêu đề ra và sớm về đích nông thôn mới theo kế hoạch./.
Gửi phản hồi