Gỡ khó làm nhà ở cho hộ nghèo

Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, mặc dù có nguồn kinh phí hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước, nhưng để mỗi hộ nghèo, nhất là ở vùng cao có đủ điều kiện hoàn thiện căn nhà mới theo tiêu chí thì vẫn cần sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng và ý thức tự vươn lên của mỗi hộ nghèo.

“Không sợ”... xây nhà

Theo đề án, mỗi hộ làm nhà mới được hỗ trợ 50 triệu đồng, hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ không quá 25 triệu đồng. Riêng hộ nghèo thuộc diện chính sách được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà mới hoặc 40 triệu đồng để sửa chữa nhà dột nát. Đây là mức hỗ trợ được đánh giá là phù hợp để mỗi hộ nghèo có điều kiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Qua quá trình triển khai, cũng có hộ nghèo bày tỏ e ngại khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, để hoàn thiện ngôi nhà mới cần phải vay mượn thêm mới đủ xây dựng. MTTQ các cấp cùng với tuyên truyền vận động ủng hộ của cộng đồng còn vận động các hộ nỗ lực để xây dựng, hoàn thiện nhà đảm bảo 3 cứng (sàn cứng, tường cứng và mái cứng).

Ngôi nhà mới của chị Bàn Thị Mói, thôn Cốc Táy, xã Yên Lập (Chiêm Hóa).

Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch MTTQ xã Yên Lập cho biết: Năm 2022, xã Yên Lập có 15 hộ nghèo được hỗ trợ làm làm mới và sửa nhà theo đề án của tỉnh. Để động viên các hộ quyết tâm làm nhà, cùng với vận động nhân dân trong xã tham gia ủng hộ ngày công, MTTQ xã đã tuyên truyền các hộ kết hợp cùng các nguồn vốn vay để hoàn thiện nhà đảm bảo tiêu chí. Vì thế, tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh phân bổ cho xã để cho các hộ nghèo trong năm 2022 là 650 triệu đồng, nhưng hoàn thành các ngôi nhà theo kế hoạch thì còn có sự hỗ trợ hàng trăm ngày công và vay mượn thêm, đưa mức đầu tư của các nhà làm mới và sửa chữa trên địa bàn xã Yên Lập năm 2022 trên 1,3 tỷ đồng.

Ngôi nhà của chị Bàn Thị Mói, thôn Cốc Táy, xã Yên Lập (Chiêm Hóa) nằm bên con đường bê tông dẫn vào bản. Ngôi nhà mới được hoàn thiện vào đầu năm 2023 từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng của tỉnh theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Ngôi nhà mới chị Mói đảm bảo tiêu chí “3 cứng” gồm phòng khách, 2 phòng ngủ với kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. “Xây dựng được ngôi nhà như thế này là ngoài sức tưởng tượng, nếu không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước chưa chắc tôi đã dám vay mượn thêm tiền để xây nhà. Nợ cũng lo nhưng mình còn trẻ thì cố gắng làm rồi từ từ trả” - chị Mói tâm sự.

Cách nhà chị Mói không xa, căn nhà ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn Khuân Khương, xã Yên Lập cũng mới được hoàn thiện từ nguồn hỗ trợ xây mới theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Ông Xuân bảo, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quý báu, tiếp thêm động lực để mỗi hộ nghèo quyết tâm vượt lên. Mặc dù khó khăn, nhưng từ nguồn hỗ trợ, gia đình ông mạnh dạn vay mượn thêm để hoàn thiện ngôi nhà. Ở nhà mới, con cái có điều kiện tốt hơn để cải thiện cuộc sống, thuận tiện học hành, từ đây chúng tôi quyết tâm thoát nghèo.

Cán bộ huyện Na Hang giúp hộ nghèo xã Sinh Long làm nhà ở.

Nhân lên trách nhiệm sẻ chia

Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, điểm nổi bật trong thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đó là  việc gắn với thực hiện hoạt động “3 cùng” với nhân dân của cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo thống kê, vào ngày cuối tuần hàng tháng, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở duy trì hoạt động cùng với nhân dân, đã hỗ trợ trên 90.000 ngày công để giúp đỡ hộ nghèo tháo dỡ nhà ở cũ, đào móng, xây móng, vận chuyển nguyên vật liệu, lợp mái nhà. Hoạt động đó đã tạo thành phong trào thiết thực, lan tỏa sâu rộng, thực sự mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo giảm được chi phí xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn trong làm nhà hộ nghèo, các địa phương còn có nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả. Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Yên đã ban hành nghị quyết riêng về lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn lực, khả năng để xây dựng nhà ở; chủ trì, hiệp thương, phân công các tổ chức thành viên đôn đốc, giúp đỡ hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về ngày công lao động, hỗ trợ gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết để đoàn viên, hội viên làm nhà ở mới.

Người dân xã Tam Đa (Sơn Dương) giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở.

Huyện Yên Sơn đã chủ động nguồn kinh phí ngay từ đầu năm, vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ cho người dân nghèo. Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của hộ nghèo, lập danh sách hộ nghèo không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít, từ đó huy động cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn hỗ trợ ngày công dỡ nhà, đào móng, làm móng.

Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các chi đoàn, chi hội đã làm tốt công tác tuyên truyền trên zalo, facebook, các nhóm zalo, trang fanpage của các đơn vị, cá nhân, tổ chức và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, qua các hội nghị, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt của Ban công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội ở khu dân cư; gặp gỡ trực tiếp hộ nghèo nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của từng hộ gia đình để có giải pháp hỗ trợ kịp thời… góp phần lan tỏa, huy động thêm nguồn lực và tinh thần tình nguyện của đoàn viên, hội viên, nhân dân, anh em dòng họ hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo về ngày công, nguyên vật liệu.

Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang, việc hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, đã và đang thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng của từng hộ nghèo quyết tâm hoàn thành nhà ở, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục